Có bao giờ bạn tự hỏi: Tại sao khi ngâm quả mơ chua vào đường sau một thời gian quả mơ có vị chua, ngọt và nước ngâm mơ cũng có vị chua, ngọt? Tại sao muốn rau tươi ta phải thường xuyên vảy nước vào rau?… Thí nghiệm “Vận chuyển các chất qua màng sinh chất” trong môn Sinh học 10 sẽ giúp chúng ta trả lời được câu hỏi đó.
Để hiểu rõ hơn kiến thức về sự vận chuyển các chất qua màng sinh chất, cô Hiếu – GV Sinh học đã cùng các con học sinh lớp 10A1 sử dụng mẫu vật là lá cây thài lài tía quan sát hình ảnh “Tế bào khí khổng” dưới kính hiển vi trong các loại môi trường khác nhau (nước và nước muối sinh lí). Khi quan sát dưới kính hiển vi, các con thấy được sự thay đổi hình dạng tế bào khí khổng trong các môi trường khác nhau do nước thẩm thấu từ tế bào khí khổng ra ngoài, sau đó nước lại thấm vào trong tế bào khí khổng.
Điều này có thể áp dụng để giải thích vì sao thường xuyên vảy nước vào rau sẽ giúp rau tươi hơn. Đó là bởi nước vận chuyển thụ động (thẩm thấu) vào tế bào rau khiến rau không bị héo, đồng thời tạo môi trường ẩm để hạn chế thoát hơi nước làm cho rau đỡ bị héo nhanh. Còn hiện tượng ngâm mơ trong đường thì sao? Hãy cùng comment để giải thích hiện tượng này cùng các con học sinh 10A1 nhé!