Vì sao mắt có thể nhìn thấy vật thể xung quanh?
Vì sao mắt có thể tạo ra những tấm hình sáng rõ, sắc nét hơn cả máy chụp ảnh?
Sự tò mò bấy lâu nay của các bạn nhỏ đã được lý giải qua chuyên đề khoa học “Tìm hiểu về thị giác” trong tiết Khoa học thú vị của thầy James và cô Hương Sen. Không phải lý thuyết tẻ nhạt, nhàm chán, các thầy cô đã biến giờ học thành buổi trải nghiệm khám phá cực kỳ hấp dẫn.
Sau khi nghe thầy chia sẻ những kiến thức về cấu trúc của mắt, lý giải lý do tại sao mắt chúng ta có thể nhìn được mọi vật xung quanh, các con học sinh có cơ hội áp dụng lý thuyết thông qua thí nghiệm nhỏ nhưng vô cùng hữu dụng. Chỉ với các dụng cụ đơn giản như bìa cứng, giấy dán, băng dính, dây chun…và dưới sự hướng dẫn tỉ mỉ của 2 thầy cô, các “nhà khoa học” nhí đã tự tay chế tạo ra những ống nhòm mini, mô phỏng cấu trúc của đôi mắt. Sau đó các con dùng chính những sản phẩm này để soi chiếu không gian xung quanh. Dưới lăng kính tự chế của các con, những đồ vật thân thuộc trong lớp học và khung cảnh tự nhiên ngoài sân trường như khoác thêm tấm áo mới. Những câu hò reo của các bạn nhỏ vang lên: “Ôi tớ nhìn thấy được kìa, sáng quá, rõ quá, đẹp quá!” thể hiện rõ sự hào hứng, phấn khích khi khám phá ra những điều mới mẻ.
Niềm say mê khoa học đã được khơi gợi tới các bạn nhỏ qua những bài giảng gần gũi, thiết thực như thế đó! Hàng ngày, hàng giờ các con được khám phá, được trải nghiệm, được cảm nhận cuộc sống qua những hoạt động, những bài học mới mẻ, gần gũi và tràn đầy tình yêu thương.